Cập nhật ngày 12/08/2014,08:42:23
Hiệu quả phòng chống dịch bệnh do vi-rút Ebola
Kịch bản nào có thể xảy ra ở Việt Nam?
Vậy kịch bản nào xảy ra nếu dịch bệnh Ebola xâm nhập vào Việt Nam. Liệu chúng ta có thể tự tin như những nước Âu, Mỹ hay rơi vào thảm họa như những nước châu Phi. Vấn đề sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đáp ứng của ngành y tế và thái độ của người dân.
Tại nước ta, đội ngũ y bác sĩ tuy còn thiếu ở nhiều tuyến nhưng nhìn chung cũng đủ vững mạnh. Qua nhiều vụ dịch đã xảy ra như dịch SARS, dịch tả, dịch cúm A/H5N1, A/H1N1,… các thầy thuốc Việt Nam đều đảm bảo khống chế dịch thành công với tỷ lệ bệnh nhân tử vong thấp nhất so với những nước có cùng điều kiện kinh tế xã hội. Về mặt kinh phí chống dịch và trang thiết bị, Chính phủ luôn luôn chủ động quan tâm và cố gắng đáp ứng ở mức tốt nhất trong điều kiện hạn chế của nước ta.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể vấp phải một số vấn đề tương tự ở châu Phi:
1. Sự thiếu phối hợp của bệnh nhân đối với ngành y tế
Vụ dịch tả năm 2008-2009 hay dịch cúm A/H5N1, A/H1N1 ở các bệnh viện đều có tình trạng bệnh nhân trốn viện, trốn cách ly.
2. Tâm lý người Việt Nam sẽ cản trở việc cách ly bệnh nhân.
Tâm lý của nhiều người dân Việt nam khi bị bệnh nặng là muốn chết ở nhà hay muốn được chôn cất ở quê nhà, nên nếu có dịch xảy ra, tình trạng cướp bệnh nhân hay "ngay cả những người chết cũng đang di chuyển" như lời của bác sĩ Michel Van Herp đã nói hoàn toàn có thể xảy ra. Việc chấp hành y lệnh thầy thuốc cũng rất kém. Nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân dù được thầy thuốc yêu cầu ra khỏi bệnh phòng vẫn trốn vào chỉ để ngồi cạnh hay xoa chân, bóp tay người bệnh. Nếu dịch Ebola xảy ra thì những hành động như vậy sẽ là cực kỳ nguy hiểm với cá nhân họ và cộng đồng.
3. Tác động không đúng mức của truyền thông
Việc người dân thiếu hiểu biết, chủ quan có thể dẫn đến không chấp hành cách ly. Tuy vậy, nếu truyền thông quá mức gây hoảng loạn cũng có thể dẫn đến tình trạng đổ dồn bệnh nhân và cả những người quá lo sợ bệnh tật về một số bệnh viện trung ương. Điều này gây tình trạng quá tải, phá vỡ hàng rào cách ly hoặc gia tăng nguy cơ lây lan ngay trong nhóm người chờ khám bệnh ở những bệnh viện này.
4. Sức ép tâm lý với thầy thuốc
Chúng ta đã từng gặp phải nhiều vụ dịch nguy hiểm như dịch SARS, dịch tả hay dịch cúm A. Trong những vụ dịch đó, đã từng có nhân viên y tế nhiễm bệnh, tử vong nhưng chưa từng có thầy thuốc nào chạy trốn nhiệm vụ. Tuy nhiên, qua một số vụ hành hung thầy thuốc mà xã hội phần đông KHÔNG bênh vực các y bác sĩ. Thậm chí sau mỗi vụ việc tiêu cực thì dư luận chung còn có xu hướng đấu tố tập thể đối với hầu hết những người làm ngành y. Điều này không khỏi ảnh hưởng đến ý nguyện cống hiến và sự sẵn sàng hy sinh của nhiều thầy thuốc.
Rõ ràng hầu hết các yếu tố trên đều xuất phát từ nhận thức của người dân về trách nhiệm phối hợp với ngành y tế trong công tác chống dịch. Đối với bệnh Ebola, người bị bệnh có nguy cơ tử vong cao và việc điều trị ít giúp họ tăng cơ hội sống sót nhiều. Nhưng việc phối hợp của họ và gia đình với ngành y tế sẽ giúp khống chế và dập dịch cho cả cộng đồng tốt hơn. Vai trò của truyền thông trong chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng dịch rất quan trọng. Trong đó việc cốt yếu phải tuyên truyền được ý thức phối hợp với ngành y tế, tránh gây hoảng loạn trong nhân dân, tránh tạo ý thức chống đối của cộng đồng với ngành y tế gây áp lực khiến thầy thuốc cảm thấy “bị đâm sau lưng chiến sĩ” khi đối mặt với nguy hiểm, hy sinh trong cuộc chiến chống dịch.
Theo (ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp-Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương)
Các tin khác: